Thuốc Glimepiride: Công dụng, Liều dùng, Lưu ý tác dụng phụ

Thuốc Glimepiride

Lịch sử nghiên cứu và phát triển thuốc Glimepiride

Glimepiride là thuốc điều trị đái tháo đường thế hệ mới, thuộc nhóm sulfonylurea, được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Glimepirid điều chỉnh đường huyết về mức độ ổn định nhờ việc kích thích các tế bào beta đảo tụy bài tiết Insulin, hiệu quả kích thích này sẽ phụ thuốc vào sự nhạy cảm của các tế bào beta với nồng độ glucose trong máu.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, glimepirid không chỉ tác động trên tuyến tụy mà còn làm hạ đường huyết thông qua cơ chế ngoài tụy, bằng việc tăng tính nhạy của các receptor trên tế bào với insulin, cũng như giảm sự thu hồi insulin ở gan. Một số biệt dược nổi tiếng của glimepirid có thể kể đến như Amaryl, Armonale, Binexamorin. Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những thông tin hữu ích về thuốc glimepiride.

Sự ra đời của nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường Sulfonylurea là một sự tình cờ khi nhà khoa học Marcel Janbon đang nghiên cứu về nhóm thuốc kháng khuẩn sulfonamid vào năm 1942. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm sulfonylurea đã có 3 thế hệ và thuốc glimepiride được xếp vào thế hệ thứ 3. Glimepiride được đăng ký độc quyền sáng chế vào năm 1979 và vượt qua các thử nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng mới được phép đưa vào điều trị rộng rãi trên thị trường vào năm 1995. Hiện nay, thuốc glimepiride đã hết thời gian bảo vệ độc quyền và được nhiều công ty dược phẩm trên thế giới bào chế dưới dạng generic. Theo thống kê vào năm 2016, thuốc đứng thứ 61 trong danh mục các thuốc được kê đơn nhiều nhất tại Mỹ.

Hình ảnh hộp thuốc Glimepiride 4mg
Hình ảnh hộp thuốc Glimepiride 4mg

Dược lực học của thuốc Glimepiride

Trên tế bào beta đảo tụy có một kênh vận chuyển có vai trò quan trọng trong điều chỉnh sự bài tiết insulin, có tên là kênh kali phụ thuộc ATP. Sở dĩ có tên như vậy là bởi sự đóng mở của kênh này phụ thuộc vào tỷ lệ ATP và ADP. Kênh Kali này có 4 tiểu đơn vị Kir6 và có 4 vị trí để gắn đặc hiệu với các sulfonylurease.

Cụ thể, khi tỷ lệ ATP:ADP trong tế bào thấp, kênh K này được hoạt hóa và mở ra, cho dòng K+ đi từ trong ra ngoài mạng, dẫn đến hiện tượng ưu cực tế bào và từ đó giảm bài tiết insulin. Ngược lại, khi nồng độ trong máu của glucose cao, nó sẽ đi vào các tế bào beta nhiều hơn, làm tăng tỷ lệ ATP: ADP, khiến cho kênh kali đóng lại, kali không đi ra ngoài màng được nữa và dẫn đến hiện tượng khử cực. Khi màng tế bào bị khử cực, nó sẽ tạo ra một xung động lan truyền làm kênh Ca2+ được hoạt hóa, dòng canxi đi vào trong tế bào nhiều hơn, nồng độ canxi nội bào tăng làm các sợi actomyosin co lại, tăng cường phóng thích insulin. Thuốc glimepiride hoạt động bằng cách nó sẽ gắn vào các receptor trên kênh vận chuyển và khóa các kênh này, từ đó lượng insulin được phóng thích ra nhiều hơn.

Thử nghiệm lâm sàng của thuốc Glimepiride

Nghiên cứu so sánh tác dụng điều trị khi sử dụng đơn lẻ thuốc glimepiride  với khi phối hợp L-cartinin và glimepiride trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 kháng insulin.

Người sáng lập: Hadier M.El-sheikha; Tamer A.Elbedewyb và Sahar M.EI- Haggara.

Mục đích nghiên cứu: Ngày nay, sự gia tăng bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 là vô cùng đáng báo động, và tỷ lệ người bệnh bị thất bại với phương pháp điều trị cũ đang ngày một tăng lên. Nghiên cứu trên nhằm mục đích chứng minh được hiệu quả của việc phối hợp L-carnitine với thuốc glimepiride với việc chỉ sử dụng duy nhất một thuốc glimepiride trong điều trị. Kết quả của phương pháp này sẽ hỗ trợ cho những bệnh nhân bị thất bại trong việc điều trị đơn trị liệu với thuốc glimepiride.

Hình ảnh vỉ thuốc Glimepiride
Hình ảnh vỉ thuốc Glimepiride

Phương pháp nghiên cứu: Tuyển chọn ngẫu nhiên 58 bệnh nhân từ khoa nội bệnh viện đại học Tanta, ai Cập. Sau đó chia những người này thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất nhận liều 2 mg/2 lần một ngày thuốc glimepiride và nhóm thứ hai nhận liều 2mg/ 2 lần một ngày thuốc glimepiride kết hợp với 1g/2 lần một ngày L-carnitine, sử dụng và theo dõi trong vòng 6 tháng. Sau đó, thu thập các mẫu huyết tương tại thời điểm ban đầu mới dùng thuốc, sau 3 tháng và sau 6 tháng, sau đó đo nồng độ glucose lúc đói và khi vừa mới ăn, nồng độ HbA1c và nồng độ insulin lúc đói; xác định chỉ số hình thể BMI và thu thập , đánh giá mô hình cân bằng nội mô của kháng insulin. Sau đó dùng phần mềm SPSS với T-test, phân tích đa biến và P<=0.05 là có ý nghĩa thống kê.

Kết quả: kết quả thu được cho thấy hiệu quả đáng kể khi phối hợp thuốc glimepiride với L-cartinine trên các chỉ số như HbA1c; nồng độ insulin lúc đói; lipid máu; HoMa-IR; IRAPe; alpha TNF và không làm thay đổi các chỉ số như huyết áp hay BMI.

Kết luận: từ kết quả nghiên cứu trên có thể thấy rằng, việc kết hợp L- carnitine với glimepirid là một phương pháp mới hiệu quả hơn việc sử dụng đơn độc glimepiride trên bệnh nhân tiểu đường tuýp II. Phương pháp này sẽ được sử dụng trên những người bênh đáp ứng kém với việc dùng glimepirid đơn độc.

Dược động học

Hấp thu: thuốc glimepiride có sinh khả dụng đường uống cao, gần như hoàn toàn. Thức ăn không làm ảnh hưởng đến mức độ hấp thu nhưng có thể làm giảm tốc độ hấp thu. Nồng độ trong huyết tương đạt ngưỡng điều trị sau 1 giờ và nồng độ cao nhất đạt được sau 2 đến 3 giờ. Thời gian thuốc có tác dụng là khoảng 24 giờ.

Phân bố: glimepiride là một thuốc có tính phân cực cao, nồng độ thuốc trong huyết tương lớn, vì vậy thể tích phân bố của thuốc tương đối nhỏ, Vd xấp xỉ 8.8L. Tuy nhiên tỷ lệ thuốc liên kết với protein lại rất lớn, trên 99%.

Thuốc có khả năng bài tiết qua sữa, qua nhau thai và ít qua được hàng rào máu não.

Chuyển hóa: thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành sản phẩm không còn hoạt tính, qua pha 1 nhờ enzyme CYP2C9 tạo thành dẫn xuất cyclohexyl hydroxyl methyl (  có hoạt tính), qua pha 2 thành dẫn xuất carboxyl ( không còn hoạt tính).

Thải trừ: Thuốc có độ thanh thải toàn phần là 47.8 ml/phút, thải trừ qua thận khoảng 60% và thải trừ qua đường mật khoảng 40%. Thời gian bán thải từ 5 đến 9 giờ.

Khi sử dụng đa liều, các thông số dược động học của glimepirid vẫn như trên, thuốc ít bị tích lũy trong cơ thể và ít có sự dao động giữa các cá thể.

Hình ảnh hộp thuốc Glimepiride 2mg
Hình ảnh hộp thuốc Glimepiride 2mg

Chỉ định

Thuốc glimepiride được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, khi bị thất bại với phương pháp không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao.

Liều dùng và cách dùng thuốc Glimepiride

Cách dùng

Thuốc glimepiride được bào chế dưới dạng viên nén, vì vậy bệnh nhân dùng thuốc trực tiếp với nước đun sôi để nguội, không bẻ nhỏ hay đập dập viên thuốc vì có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc theo đường uống.

Không nên dùng nước ngọt, nước có gas để uống thuốc vì có thể xảy ra các tương tác không mong muốn. Vì thức ăn ít ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc nên người bệnh có thể uống cùng hoặc cách xa bữa ăn.

Những nguyên tắc khi sử dụng thuốc glimepiride

  • Dùng liều từ thấp đến cao, chỉ tăng liều khi liều hiện tại không có tác dụng.
  • Không tự ý mua thuốc về sử dụng mà cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
  • Người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ theo liều bác sĩ chỉ định.
  • Bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh cách xử trí khi vi phạm chế độ liều dùng như quên liều hay uống không đúng thời điểm.
  • Nếu quên một liều thuốc, người bệnh tuyệt đối không được tự ý tăng liều gấp đôi vào liều tiếp theo vì có thể gây ra cơn hạ đường huyết đột ngột vô cùng nguy hiểm.
  • Nếu bệnh nhân không may uống một liều cao hơn chỉ định thì phải ngay lập tức báo cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Liều dùng

Dùng liều khởi đầu với tất cả bệnh nhân là 1mg/ 1 lần/ngày. Khi tăng liều, phải tăng từ từ với quãng thời gian cần thiết là 1 đến 2 tuần, theo trình từ 1mg-2mg-3mg-4mg-5mg-6mg-7mg-8mg. Thông thường, liều điều trị hiệu quả là từ 1 đến 4mg, với liều trên 6mg thì chỉ có tác dụng với số ít bệnh nhân.

Thời điểm dùng thuốc và liều lượng sẽ do bác sĩ điều trị cân nhắc ở từng bệnh nhân. Thông thường là sẽ dùng thuốc một lần trong ngày và uống trước bữa ăn chính của bệnh nhân đó. Điều quan trọng là bệnh nhân tuyệt đối không được bỏ bữa ăn ngay sau khi dùng liều thuốc đó vì có thể gây ra cơ hạ đường huyết.

Hiệu chỉnh liều

Các trường hợp sau bác sĩ cần cân nhắc điều chỉnh liều thuốc cho bệnh nhân:

  • Chỉ số cân nặng của bệnh nhân thay đổi.
  • Thói quen và giờ giấc sinh hoạt của bệnh thay đổi.
  • Có những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động làm thay đổi độ nhạy cảm của cơ thể với sự tăng, giảm Glucose trong máu.

Khi muốn thay đổi thuốc điều trị cho bệnh nhân, cần lưu ý:

  • Chưa có sự tham chiếu chính xác nào về liều giữa thuốc glimepiride và các thuốc đường uống khác. Khi muốn dùng thuốc glimepiride để thay thế một thuốc tiểu đường khác, dù thuốc kia đang sử dụng liều cao, cũng cần dùng liều khởi đầu thuốc glimepiride là 1mg/ngày. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc đến tác động đến cơ thể và sự tương tác của thuốc dùng trước với thuốc glimepiride mà cần dừng thuốc đó một thời gian trước khi đổi sang dùng thuốc glimepiride.
  • Khi thấy hiệu quả điều trị của thuốc glimepiride không được như ban đầu, có thể cân nhắc kết hợp với insulin.
  • Có thể kết hợp thuốc glimepiride với các thuốc điều trị tiểu đường đường uống không có đích là tế bào beta khác.
Mặt sau vỉ thuốc Glimepiride
Mặt sau vỉ thuốc Glimepiride

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 phụ thuộc insulin.
  • Bệnh nhân nhiễm toan ceton do tiểu đường.
  • Bệnh nhân có biến chứng hôn mê do tiểu đường.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng: nên cân nhắc chuyển sang dùng insulin.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng: nên cân nhắc chuyển sang dùng insulin.
  • Bệnh nhân nhạy cảm với glimepirid hay với các sulfourea khác.
  • Bệnh nhân nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Phụ nữ có thai nên chuyển sang dùng insulin
  • Phụ nữ cho con bú nên dùng insulin hoặc ngừng cho trẻ bú sữa mẹ.

Tác dụng phụ của thuốc Glimepiride

Hạ đường huyết: Đây có thể coi là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm với bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị tiểu đường và đây lại là ADR thường gặp với tỷ lệ lớn hơn 10%. Một số dấu hiệu quan trọng để nhận biết cơ thể đang bị hạ đường huyết như: tay chân run rẩy, hoa mắt, chóng mặt, đau nhức đầu, đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là vùng sống lưng, cảm thấy đói, rất thèm ăn, tim đập nhanh, nhìn mờ, dễ nổi cáu, chân tay lạnh, da tím tái. Trong trường hợp nặng, sẽ có các rối loạn trên thần kinh trung ương như nói sảng, co giật, mất tự chủ hành vi, ngủ gà, mất tri giác, hôn mê và tử vong.

Trong trường hợp này, bệnh nhân cần nhanh chóng ăn một bát cháo loãng hay uống một cốc nước đường, và nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, khi thấy đỡ hơn cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.

  • Rối loạn thị giác: tình trạng này sẽ thường gặp với người bệnh bắt đầu điều trị bằng thuốc glimepiride.
  • Tiêu hóa: bệnh nhân có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau tức vùng dưới xương ức, rối loạn  tiêu hóa. Một số trường hợp thấy tăng men gan, suy gan cấp.
  • Huyết học: xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu; ít gặp hơn là giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu hoặc có thể giảm cả ba dòng tế bào và thường tự khỏi sau khi ngưng sử dụng thuốc.
  • Da: mẩn ngứa, mề đay, phát ban, nổi ban đỏ.
  • Một số phản ứng hiếm gặp khác: sốc phản vệ, hạ natri máu, hội chứng steven-johnson, rụng tóc, viêm da nhạy cảm với ánh sáng.
Thuốc Glimepiride điều trị đái tháo đường tuýp 2
Thuốc Glimepiride điều trị đái tháo đường tuýp 2

Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc

  • Khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, người bệnh cần chú ý dấu hiệu khi đường huyết tăng như ăn nhiều, khát nước, cơ thể sụt cân, tiểu nhiều, miệng khô, da khô.
  • Trạng thái tâm lý như lo âu, căng thẳng, stress có thể làm cho khả năng điều hòa đường huyết bị thay đổi, trong trường hợp này bệnh nhân nên sử dụng insulin tạm thời để đảm bảo an toàn.
  • Khi mới sử dụng thuốc để điều trị, đường huyết có thể bị hạ do phản ứng quá mức của cơ thể. Thời điểm này cần theo dõi chặt chẽ người bệnh để kịp thời cấp cứu khi cần.
  • Muốn duy trì được đường huyết luôn ổn định, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, thời điểm dùng, chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục thể thao,…
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra đường huyết để biết được đáp ứng của cơ thể với thuốc như thế nào.
  • Trước khi chỉ định thuốc, bác sĩ cần giải thích thêm cho người bệnh những yếu tố làm tăng nguy cơ của các cơn hạ đường huyết như tuổi tác, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, hoạt động thể lực thường xuyên, quá sức,uống rượu, bia, suy giảm chức năng gan, thận, quá liều thuốc glimepiride. Cùng với đó, người thầy thuốc nên nhắc nhở bệnh nhân những dấu hiệu điển hình của cơn hạ đường huyết và biện pháp để người bệnh tự cấp cứu tạm thời.
  • Sử dụng thuốc glimepiride có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh khi lái xe và vận hành máy móc do thuốc có thể gây ra các cơn tăng, hạ đường huyết đột ngột.

Khi sử dụng quá liều thuốc, bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp này cần:

  • Gọi điện thoại thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Cho người bệnh uống ngay một cốc nước đường hoặc một cốc trà gừng.
  • Nếu bệnh nhân bị mất ý thức, truyền ngay cho người bệnh dung dịch glucose ưu trương, sau đó truyền đường duy trì để ổn định đường huyết.
  • Có thể cân nhắc sử dụng glucagon.
  • Rửa dạ dày, gây nôn, hoặc dùng than hoạt  trong trường hợp uống quá nhiều thuốc glimepiride.
  • Phải theo dõi đường huyết trong vòng ít nhất 24h.

Ảnh hưởng của thuốc trên phụ nữ có thai và cho con bú

Thời gian mang thai: Thuốc glimepiride được chống chỉ định cho phụ nữ có thai. Liệu pháp dùng để thay thế trong trường hợp này là tiêm insulin. Nếu trong thời gian sử dụng thuốc glimepiride, bệnh nhân có thai thì cần thông báo ngay cho bác sĩ để được thay đổi phác đồ phù hợp.

Các nghiên cứu trên lâm sàng chỉ ra rằng, thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phôi thai, có thể gây quái thai, dị dạng, nhất là từ tuần thứ 2 đến thứ 9 của thai kỳ.

Thời gian cho con bú: thuốc glimepiride có thể được bài tiết vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ, vì vậy thuốc glimepiride chống chỉ định cho phụ nữ đang cho con bú. Trong trường hợp này, có thể khuyến khích bệnh nhân dùng insulin đường tiêm để thay thế.

Tương tác thuốc

Khi sử dụng thuốc glimepiride với những thuốc sau có thể tăng nguy cơ xuất hiện các cơn hạ đường huyết: insulin, thuốc ức chế men chuyển, các glucocorticoid, các thuốc hormon sinh dục nam, kháng sinh chloramphenicol; thuốc ức chế mao, thuốc trị nấm miconazol; các sulfonamid; tetracyclin, các thuốc trị tiểu đường khác.

Khi sử dụng thuốc glimepiride với các thuốc sau có thể làm giảm tác dụng điều trị của thuốc glimepiride như: acetazolamide, corticoid, adrenalin, các barbiturates, thuốc hormon sinh dục nữ, glucagon, rifampicin, thuốc chống động kinh phenytoin.

Các thuốc kháng histamin H2, thuốc trị tâm thần phân liệt clonidine, reserpin có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc glimepiride.

Sử dụng rượu bia thường xuyên có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng điều trị của thuốc glimepiride.