Thuốc Colocol Extra có tác dụng gì? Liều dùng? Giá bao nhiêu?

Thuốc Colocol Extra

Đau và sốt là các triệu chứng thường xuyên hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta, làm ảnh hưởng xấu đến công việc và các sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Nhất là sốt cao có thể làm mất nước, co giật hay các biến chứng khác về tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm.Tin tức dược (signutra.com.vn) xin giới thiệu Colocol Extra, loại thuốc ra đời với mục đích giúp người bệnh nhanh chóng giảm bớt các triệu chứng trên để họ dễ dàng hòa nhập trở lại với nhịp sống hằng ngày.

1) Thuốc Colocol Extra là thuốc gì?

Colocol là một dòng sản phẩm được sản xuất do Công ty Cổ phần Dược Phẩm Sao Kim (Saokim Pharma) với công dụng chính là giảm đau và hạ sốt.

Colocol có rất nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào thành phần, hàm lượng và dạng bào chế, phù hợp với từng bệnh lý và mục đích sử dụng của bệnh nhân như: Colocol 500, Colocol Extra, Colocol sachet 80, Colocol suppo 80, Colocol Flu…

Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến Colocol Extra – với thành phần chính là Paracetamol 500mg và Caffein 65mg.

Tá dược: (Avicel PH102, Acid stearic, PVP, Hydroxypropyl methyl cellulose, PEG 6000, Talc, Titan dioxide) vừa đủ 1 viên.

Dạng bào chế: viên nén dài bao phim, với 2 dạng đóng gói (hộp 6 vỉ và hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên).

Số đăng ký sản phẩm: VD 31843 19.

Thuốc giảm đau hạ sốt Colocol Extra
Thuốc giảm đau hạ sốt Colocol Extra

2) Công dụng của thuốc Colocol Extra?

Thuốc được sử dụng phổ biến trên thị trường với công dụng làm giảm các triệu chứng đau từ nhẹ đến vừa và hạ sốt, ngoài ra còn giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng của cảm cúm, viêm họng.

3) Chỉ định của thuốc Colocol Extra?

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giảm đau mức độ từ nhẹ đến vừa: đau đầu, đau bụng kinh, đau răng, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau họng, đau mỏi người do cảm cúm…
  • Hạ sốt do bất kì nguyên nhân nào, kể cả khi bệnh nhân không dùng được Aspirin/ NSAIDs do dị ứng hoặc do các tác dụng phụ của chúng trên đường tiêu hoá, chức năng gan, thận…

4) Thành phần chính của Colocol Extra có tác dụng gì?

  • Tác dụng dược lý của Paracetamol:

Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen – chất chuyển hóa của Phenacetin có tác dụng:

  • Giảm đau, hạ sốt. Không có tác dụng chống viêm như các NSAIDs, do vậy nó không được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid.
  • Tác dụng giảm đau ở mức độ từ nhẹ đến vừa, giúp giảm các triệu chứng đau đầu, đau lưng, đau khớp, đau răng, đau mỏi do cảm lạnh, cảm cúm… Trong đó đối với các cơn đau do xương khớp thì thuốc được sử dụng như một liệu pháp đầu tay, tuy nhiên chỉ đáp ứng trong trường hợp viêm nhẹ.
  • Tác dụng hạ sốt do bất kì nguyên nhân nào. Thuốc tác dụng lên trung tâm điều nhiệt làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, nhưng không có tác dụng hạ sốt trên người khỏe mạnh.
  • Khi sử dụng Paracetamol với liều có tác dụng điều trị, thuốc không gây kích ứng, chảy máu đường tiêu hóa, ít ảnh hưởng tới tim mạch, hô hấp, không ức chế kết tập tiểu cầu… như các thuốc NSAIDs. Do vậy thuốc thích hợp sử dụng đối với các bệnh nhân cao tuổi, trẻ em, bệnh nhân hen, tiền sử loét dạ dày tá tràng…
  • Cơ chế tác dụng:

Paracetamol ức chế enzym POX (Pero – oxygenase), làm ngăn cản Prostaglandin G2 (PGG2) chuyển thành Prostaglandin H2 (PGH2) – sinh ra các PG gây ra các phản ứng viêm, đau, sốt. Tuy nhiên, khi quá trình viêm xảy ra, bạch cầu và tiểu cầu được hoạt hoá sinh ra HETEs, chuyển PGG2 thành PGH2 không thông qua men Pero – oxygenase. Do đó, Paracetamol không có tác dụng trên quá trình viêm và chống kết tập tiểu cầu như ở NSAIDs (Theo Aronoff et al, 2009).

Như vậy, Paracetamol ức chế enzym POX nhưng chủ yếu ở trên hệ TKTW, không tác động trực tiếp ở nơi viêm hay toàn bộ cơ thể.

  • Cơ chế giảm đau: Ức chế tổng hợp PGF2, làm cho các chất gây đau từ quá trình viêm giảm truyền tín hiệu lên các ngọn dây thần kinh cảm giác, từ đó là giảm cảm giác đau.
  • Cơ chế hạ sốt: Tác dụng lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây giãn mạch, làm hạ nhiệt và hạ sốt.
  • Tác dụng của Caffein:

Caffein là một thuốc thuộc dẫn chất xanthin, thường có trong chè, cà phê, socola… có các tác dụng:

  • Trên hệ TKTW, thuốc kích thích trực tiếp lên não bộ giúp giảm cảm giác đau, giảm mệt mỏi, tỉnh táo, không gây buồn ngủ, từ đó giúp người bệnh thoái mái, cải thiện năng suất làm việc.
  • Trên hệ tuần hoàn, thuốc kích thích làm cơ tim tăng co bóp, tăng tần số tim, từ đó tăng lưu lượng tim và lưu lượng mạch vành.
  • Caffein thường được kết hợp với Paracetamol để tăng cường tác dụng giảm đau của Paracetamol. Thực nghiệm cho thấy khi phối hợp 2 chất này thì tác dụng giảm đau sẽ tăng cao so với khi dùng đơn độc Paracetamol.
  • Cơ chế tác dụng của Caffein:

Caffein tăng tác dụng giảm đau của Paracetamol là do:

  • Ức chế Adenosine gây ra các tác động tiền cảm nhận đau ở ngoại biên.
  • Tạo ra một hệ thống giảm đau nội sinh nhờ kích thích vào các tuyến Noradrenergic TW.
  • Điều tiết việc tác động đến thành phần của cơn đau do kích thích vào hệ TKTW mà ưu tiên là lên vỏ não.
Thuốc Colocol Extra dạng viên nén
Thuốc Colocol Extra dạng viên nén

5) Cách sử dụng thuốc Colocol Extra?

5.1) Liều dùng

  • Người lớn, trẻ em từ 16 tuổi trở lên: dùng mỗi lần 1-2 viên, giữa các lần uống cách nhau 4-6h, tối đa 8 viên/ ngày.
  • Trẻ từ 12-15 tuổi: dùng mỗi lần 1 viên, giữa các lần uống cách nhau 4-6h, tối đa 4 viên/ ngày.
  • Trẻ dưới 12 tuổi: không nên sử dụng vì dạng bào chế không thích hợp. Có thể đổi sang dạng bào chế khác như: cốm pha hỗn dịch Colocol sachet 250…

5.2) Cách dùng

  • Thuốc được bào chế ở dạng viên nén bao phim, chỉ dùng đường uống.
  • Không bẻ, nghiền, nhai viên thuốc vì có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Ngoài ra với viên nén bao phim,mục đích để che dấu mùi vị khó chịu của thuốc thì việc làm này có thể phá vỡ lớp bao bên ngoài khiến cho người bệnh khó uống hơn.
  • Nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội, tránh thay bằng nước chè, cà phê… và tuyệt đối không uống cùng với bia rượu.
  • Chỉ dùng khi cần thiết, khi bệnh nhân quá đau hoặc sốt cao ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
  • Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất, thường sử dụng không nên quá 3 ngày để tránh quá liều và các tác dụng không mong muốn.

6) Thuốc Colocol Extra có dùng được cho Phụ nữ có thai và Cho con bú không?

Đối với Phụ nữ có thai:

  • Thành phần Paracetamol:
  • Theo các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng Paracetamol ở PNCT, và tác dụng phụ mà nó gây ra cho thai phụ vẫn chưa được chứng minh rõ ràng như khi sử dụng trên động vật.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc trong lúc mang thai. Trường hợp muốn sử dụng thì phải cân nhắc sao cho lợi ích lớn hơn nhiều so với nguy cơ mà nó đem lại.
  • Thành phần Caffein:
  • Caffein có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng thai kỳ như: sảy thai, thai chậm phát triển, nhẹ cân…
  • Theo các nghiên cứu trước đây, liều dùng tối đa của Caffein đảm bảo an toàn cho mẹ là ít hơn 300mg/ ngày. Tuy nhiên với các nghiên cứu khác, sử dụng Caffein với liều thấp 100 – 200mg/ ngày cũng có thể gây tăng nguy cơ gây hại cho thai nhi cả trước và sau khi sinh.
  • Không khuyến nghị dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và nên tham khảo sự tư vấn từ những người có chuyên môn trong những trường hợp cần thiết.

Đối với Phụ nữ cho con bú:

  • Thành phần Paracetamol: Một lượng nhỏ của thuốc được bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên chưa có nghiên cứu chỉ ra nguy cơ có hại của thuốc lên trẻ bú mẹ.
  • Thành phần Caffein: Sau khi uống, Caffein dễ dàng bài tiết vào sữa mẹ và có thể gây kích thích đến các bé đang bú mẹ.

Từ những thông tin trên thì khuyến cáo không nên dùng thuốc Colocol Extra cho cả PNCT và CCB để tránh gặp phải những nguy cơ xấu ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi và bé đang bú sữa mẹ. Trong mọi trường hợp, PNCT và CCB nên hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn nếu muốn sử dụng thuốc.

7) Thuốc Colocol Extra có giá là bao nhiêu?

Thuốc Colocol Extra được bán trên thị trường với giá có thể thay đổi ít nhiều phụ thuộc vào mỗi cơ sở bán lẻ trên toàn quốc. Bạn có thể tham khảo giá thuốc khoảng 1300đ/ viên thuốc (giá sỉ) và bạn có thể mất thêm phí nếu như mua ở nhà thuốc hoặc quầy thuốc online.

8) Tôi có thể mua thuốc Colocol Extra ở đâu?

Thuốc Colocol Extra được phân phối và bán phổ biến ở các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc.

Một số nhà thuốc bạn chính thống và uy tín bạn có thể tham khảo để tránh mua nhầm hàng giả, hay hàng kém chất lượng sẽ gây giảm hiệu quả sử dụng thuốc: nhà thuốc Long Châu, nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc online Itp Pharma…

Thuốc Colocol Extra và vỉ 10 viên
Thuốc Colocol Extra và vỉ 10 viên

9) Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Colocol Extra?

  • Người có tiền sử mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người  suy giảm chức năng gan, thận nặng.
  • Người bị thiếu enzym G6PD.
  • Người mắc một số bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy mạch vành, tăng nhịp tim…

10) Tác dụng không mong muốn của thuốc Colocol Extra?

Khi sử dụng Colocol Extra ở liều điều trị thì thuốc đáp ứng tốt, tuy nhiên vẫn khó tránh khỏi một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Rối loạn tiêu hóa, gan mật, giảm tiểu cầu, rối loạn hệ miễn dịch ( các phản ứng quá mẫn như: ban đỏ, phù mạch…) và đây là các phản ứng rất hiếm khi xảy ra khi sử dụng thuốc.
  • Co thắt phế quản ở những bệnh nhân nhạy cảm với Aspirin hay các NSAIDs khác do dùng thuốc chứa thành phần Paracetamol là hiếm xảy ra, tuy nhiên đối với bệnh nhân bị hen phế quản thì triệu chứng này dễ xuất hiện hơn.
  • Đối với Caffein, khi dùng liều cao (< 600mg/ ngày) có thể gây ra tác dụng phụ: trên hệ TKTW gây ra chóng mặt, đau đầu; rối loạn tim; rối loạn tâm thần như mất ngủ, lo lắng, dễ hoảng sợ; rối loạn tiêu hóa như táo bón…

Nên dừng thuốc Colocol Extra và hỏi ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn nếu trong khi sử dụng thuốc bạn gặp phải các tác dụng không mong muốn như trên.

11) Lưu  ý khi sử dụng thuốc Colocol Extra?

  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc Colocol Extra.
  • Lượng Paracetamol tối đa được sử dụng mỗi ngày là không quá 4000mg và không dùng quá 1000mg/ một lần, để tránh quá liều sẽ gây ra các tác hại nghiêm trọng nhất là đối với gan của bạn.
  • Nguyên nhân là do :
  • Sau khi uống Paracetamol sẽ được chuyển hóa tại gan tạo thành chất có độc tính N-acetyl-p-benzoquinone imine (NAPQI). Nếu sử dụng Paracetamol ở liều điều trị thì NAPQI tạo ra ít, lúc này gan có thể khử độc dễ dàng.
  • Mặt khác, gan giải độc được là do nó sản xuất ra Glutathione có nhóm sulfhydryl – tạo liên kết bền với NAPQI và tạo ra phức hợp không độc để từ đó đào thải ra khỏi cơ thể qua thận. Do đó, nếu sử dụng quá liều Paracetamol sẽ làm tăng nồng độ NAPQI, làm gan không sản xuất đủ Glutathione thể khử độc và từ đó gây hại cho gan.
  • Trong khi sử dụng thuốc này bạn không được uống bia rượu vì chúng sẽ làm tăng độc tính lên gan.
  • Đối với những bệnh nhân mắc xơ gan do rượu hay nghiện rượu thì không nên dùng thuốc này, hoặc bạn nên hỏi ý kiến từ những người có chuyên môn trước.
  • Paracetamol là một thuốc thông dụng thường được phối hợp trong các loại thuốc giảm đau, giảm ho, cảm cúm, dị ứng… như Methorphan, Ameflu… Như vậy, trước khi dùng phối hợp Colocol Extra với các thuốc khác, bạn cần xem kĩ các thành phần của thuốc đó có thành phần Paracetamol hay Acetaminophen không để tránh vô tình dùng quá liều Paracetamol.
  • Nên ngừng sử dụng thuốc Colocol Extra và đi khám bệnh viện để tìm ra nguyên nhân, nếu các triệu chứng sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc đau (trừ đau họng) quá 10 ngày ở người lớn, 5 ngày ở trẻ em.
  • Không sử dụng thuốc cùng với chế độ ăn uống có nhiều Caffein vì dễ tăng tích lũy Caffein gây mất ngủ, đau đầu, kích động…
  • Thuốc thường được sử dụng với liều thấp cho người có bệnh lý dạ dày vì không gây loét, chảy máu hay thủng như khi sử dụng NSAIDs.
  • Bạn có thể lái xe và vận hành máy móc bình thường khi sử dụng thuốc.
  • Kiểm tra chất lượng viên thuốc trước khi dùng, đảm bảo viên thuốc nguyên vẹn về thể chất và xem kỹ hạn sử dụng của thuốc.
  • Bảo quản thuốc theo đúng quy định trên nhãn: nơi khô ráo, tránh ánh nắng, nhiệt độ dưới 30 độ.
Hình ảnh thuốc Colocol Extra mặt bên trái
Hình ảnh thuốc Colocol Extra mặt bên trái

12) Dược động học của thuốc Colocol Extra?

  • Với thành phần Paracetamol:
  • Hấp thu: 

Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau 30-60p uống thuốc. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 80-90%. Thức ăn có thể làm chậm hấp thu thuốc. Khi uống thuốc cùng với thức ăn chứa nhiều Carbohydrate thì thuốc sẽ bị giảm hấp thu.

  • Phân bố:

Sau khi uống, thuốc được phân bố đến khắp các mô trong cơ thể một cách nhanh chóng, tuy nhiên tỷ lệ gắn với Protein huyết tương rất thấp chỉ khoảng 25%.

  • Chuyển hóa:

Sau khi đến gan, thuốc được chuyển hóa thành các chất chuyển hóa glucuronide và sulphate và được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.

  • Thải trừ:

Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận. Thời gian bán thải T1/2 kéo dài khoảng 2h và có thể thay đổi đối với những người có tổn thương ở gan hoặc người dùng quá liều.

  • Với thành phần Caffein:
  • Hấp thu:

Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 30 phút – 2h uống thuốc.

  • Phân bố:

Sau khi uống, thuốc được phân bố rộng khắp các mô trong cơ thể sau đó đi vào não đế phát huy tác dụng. Tỉ lệ liên kết với Protein máu trung bình khá thấp khoảng 35%. Thể tích phân bố Vd trung bình ở người lớn là 0,6l/kg và ở trẻ sơ sinh là 0,8-0,9l/kg, như vậy Vd ở trẻ lớn hơn của người lớn.

  • Chuyển hóa:

Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan đến 99%, tạo ra các dẫn chất xanthin thông qua quá trình oxh và khử methyl.

  • Thải trừ:

Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận. Một lượng nhỏ Caffein được bài tiết qua nước tiểu ở dạng không đổi. Thời gian bán thải T1/2 của thuốc là khoảng 3,5h sau khi uống thuốc.

13) Tương tác thuốc Colocol Extra với các thuốc hay thực phẩm khác?

Tương tác giữa thuốc Colocol Extra với các thuốc khác là không thể tránh khỏi. Vì thế trong thời gian sử dụng Colocol Extra, bạn nên báo với các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn về các loại thuốc, thực phẩm bổ sung… mà bạn đã hoặc đang dùng để tránh các tương tác bất lợi xảy ra ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.

Dưới đây là một số tương tác thuốc có thể gặp của Colocol Extra:

  • Tác dụng chống đông máu của Warfarin hoặc các Coumarin khác sẽ tăng nếu sử dụng Paracetamol liều cao và kéo dài.
  • Dùng đồng thời Phenothiazine với Paracetamol có thể gây hạ thân nhiệt nghiêm trọng.
  • Uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc gan và tổn thương gan, nhất là ở những người có tiền sử bệnh gan.
  • Độc tính cho gan cũng tăng lên khi sử dụng thuốc cùng với các thuốc như: thuốc chống co giật Barbiturat, Carbamazepin… gây cảm ứng enzym gan làm tăng chuyển hóa Paracetamol thành chất có hại cho gan; Isoniazid và các thuốc chống lao khác…
  • Một số tương tác bất lợi của các thuốc khác với Paracetamol mà bạn không nên phối hợp như: prilocaine, lomitapide, mipomersen, leflunomide…
  • Tốc độ hấp thụ của paracetamol sẽ giảm đi khi phối hợp cùng với Cholestyramine… và tăng lên khi phối hợp cùng Domperidon…
  • Caffein không nên dùng đồng thời với Lithi vì làm tăng đào thải Lithi ra khỏi cơ thể.
  • Tác dụng an thần, gây ngủ của Phenobarbital giảm đi khi phối hợp cùng Caffein.
  • Một số tương tác bất lợi khác có thể xảy ra khi dùng phối hợp Caffein với Theophylin, Quinolon,Tizanidine…
  • Dùng thuốc cùng với chế độ ăn uống chứa nhiều Caffein sẽ gây quá liều và có thể xuất hiện các tác dụng không mong muốn như đau đầu, mất ngủ, lo âu, hồi hộp…
Hình ảnh thuốc Colocol Extra mặt bên phải
Hình ảnh thuốc Colocol Extra mặt bên phải

14) Xử trí khi quá liều hoặc quên liều thuốc Colocol Extra như thế nào?

Trường hợp quên liều:

Thuốc chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết vì vậy bạn không cần phải lo lắng khi lỡ quên 1 liều thuốc. Trường hợp bạn dùng thuốc theo liệu trình được kê đơn, khi quên 1 liều thì bạn nên uống đúng liều được chỉ dẫn ngay khi nhớ ra và không uống gấp đôi liều ở lần tiếp theo.

Trường hợp quá liều:

Với thành phần Paracetamol:

  • Khi sử dụng Paracetamol quá liều cho phép có thể dẫn tới suy gan. Tổn thương gan thường xuất hiện sau 24-48h dùng thuốc. Các triệu chứng khi quá liều như xanh xao, chán ăn, nôn, buồn nôn, đau thượng vị… thường thấy trong 24h đầu.
  • Đối với các trường hợp ngộ độc gan nặng có thể ảnh hưởng xấu tới não, phù não, giảm glucose máu và thậm chí có thể tử vong. Hay suy thận cấp cũng có thể xảy ra khi ngộ độc gan nhưng hiếm gặp hơn.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên hoặc ngay khi dùng quá liều thì bệnh nhân cũng nên thông báo ngay cho các nhân viên y tế và nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng N-acetylcystein để giải độc gan.

Với thành phần Caffein:

  • Các triệu chứng có thể xảy ra khi quá liều là tăng nhịp tim, mất ngủ, co giật, sốt, run, kích động, đau bụng, nôn…
  • Khi gặp các triệu chứng trên thì bệnh nhân cũng nên đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.
  • Điều trị triệu chứng là một liệu pháp đầu tay vì hiện nay chưa có thuốc giải đặc hiệu khi dùng quá liều thuốc. Các biện pháp có thể dùng là bù nước nếu bị mất nước. Để chặn độc tính lên tim thì có thể dùng thuốc đối kháng beta giao cảm hoặc tiêm tĩnh mạch Diazepam nếu bệnh nhân xuất hiện co giật.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Colocol Extra mà bạn có thể tham khảo. Bạn có thể tìm đến những người có chuyên môn để được tư vấn trước khi sử dụng thuốc này. Mong rằng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng cũng như cách sử dụng, các lưu ý khi dùng thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất khi sử dụng.

Xem thêm:

Thuốc Detazofol 400mg là thuốc gì? Mua ở đâu? Giá bao nhiêu?

Thuốc Zanicidol là thuốc gì? Công dụng, chỉ định, giá bao nhiêu?