NGUYÊN NHÂN LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI
Thêm vào đó lối sống ít tập thể dục thể thao, hay hút thuốc, uống rượu bia hoặc bị ảnh hưởng bởi điều trị liên quan tới thuốc corticosteroid cũng có thể ảnh hưởng đến mật độ xương của người trẻ tuổi. (1)
- Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương. Theo thống kê quan sát cho thấy có mối liên quan giữa hút thuốc lá với giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương (2). Những người nghiện thuốc lá hay thường xuyên hút thuốc thường ốm yếu hơn người không hút thuốc, và tình trạng dinh dưỡng kém hơn. Phụ nữ hút thuốc thường mãn kinh sớm hơn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương (3).
- Rượu bia có thể gây cản trở sự cân bằng canxi trong cơ thể – khoáng chất chính cấu tạo nên xương. Nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất loại hormone có tác dụng bảo vệ xương, việc sản xuất các vitamin cần thiết để thúc đẩy hấp thụ canxi. Nam giới trẻ tuổi hút thuốc lá, uống bia rượu nhiều thì nguy cơ loãng xương càng cao.
- Sử dụng rượu mãn tính có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ gãy xương hông, cột sống và cổ tay. Tiêu thụ rượu quá mức cũng có thể dẫn đến té ngã nhiều hơn và dẫn đến gãy xương(3).
- Thói quen thức khuya, dậy muộn, lười vận động, dùng các thực phẩm không tốt cho sức khỏe: Một bộ phận người trẻ khá lười vận động, lại thức khuya và dậy trễ, không dành thời gian luyện tập thể dục thể thao, hoặc do tính chất công việc như các ngành nghề văn phòng làm cho người trẻ không có thói quen vận động, xương không được rèn luyện để chắc khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa việc tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn như pizza, hamburger, khoai tây chiên, thịt xông khói, xúc xích chiên… với mật độ xương thấp ở người trẻ tuổi (4). Nữ giới trẻ tuổi còn có thói quen ăn kiêng không khoa học nhằm giảm cân nên cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, có thể dẫn đến loãng xương sớm.
- Người trẻ tuổi mắc bệnh mãn tính như bệnh thận, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, tiểu đường type I… có sử dụng các loại thuốc corticosteroid, thuốc chống co giật, thuốc ức chế bơm proton… một thời gian dài cũng là nguyên nhân thứ phát dẫn đến bệnh loãng xương (5).
PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI
Thông thường các triệu chứng của bệnh loãng xương khó phát hiện, có khi không có dấu hiệu nên người ta thường bị gãy xương mới biết mình có bị loãng xương. Để phòng ngừa, người trẻ tuổi cần có lối sống lành mạnh.
- Một lối sống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh loãng xương cũng như các bệnh tật khác. Nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm vào sáng hôm sau để tập thể dục thể thao, tắm nắng vào buổi sáng để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tốt hơn. Người trẻ có thể tập luyện các môn thể dục thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, dancesport, aerobic, yoga, …
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế rượu bia giúp giảm nguy cơ loãng xương.
- Nên ăn uống các thực phẩm tốt cho sức khỏe, các thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất. Tích cực ăn nhiều loại rau xanh và trái cây cũng có thể bổ sung canxi giúp xương chắc khỏe. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn, nước ngọt có gas.
- Đối với những người trẻ mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận, tiểu đường…phải sử dụng thuốc trong thời gian dài: Nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về việc đo mật độ xương nhằm phát hiện sớm tình trạng loãng xương nếu có.
- Đối với các bạn nữ: Khi muốn giảm cân cần có chế độ ăn kiêng khoa học, tích cực luyện tập thể dục thể thao. Không ăn kiêng theo cảm tính, bỏ các nguồn thực phẩm quan trọng dễ dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng làm tăng yếu tố nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh khác. Nên có thời gian để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng cường hấp thu vitamin D tốt cho xương.
DS. Thúy Vi – Signature Nutrition
Nguồn:
(1): https://www.iofbonehealth.org/new-review-outlines-screening-strategies-osteoporosis-young-adults
(2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22349964
(3) https://www.bones.nih.gov/health-info/bone/osteoporosis/conditions-behaviors/bone-smoking
(4) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6135654/
(5) https://www.academia.edu/14148358/Osteoporosis_in_young_adults_pathophysiology_diagnosis_and_management