Thuốc Agimlisin là gì?
Thuốc Agimlisin thuộc nhóm thuốc tim mạch, có tác dụng điều chỉnh huyết áp, điều trị suy tim và làm tan huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Thuốc được bào chế và sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm.
Dạng bào chế: Viên nén
Mỗi viên nén chứa thành phần chính là Lisinopril (dưới dạng Lisinopril Dihydrate) và một số tá dược (Lactose, Povidone K30, Natri Starch Glycolate, Croscarmellose Natri, Microcrystalline Cellulose 101, Oxit sắt đỏ, Colloidal Silicon Dioxide, Magnesium Stearat)
Quy cách đóng gói: Hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên nén. Thuốc Agimlisin có ba hàm lượng khác nhau là 5 mg, 10 mg, 20 mg.
Số đăng ký (SĐK) lần lượt theo các hàm lượng:
- 5 mg: VD-25118-16
- 10 mg: VD-26721-17
- 20 mg: VD-29656-18
Công dụng của thuốc Agimlisin
Agimlisin là thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin (ECA), có tác dụng làm giảm sức cản ngoại biên (nhưng không làm tăng nhịp tim), hạ huyết áp từ từ êm dịu kéo dài, làm giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, giảm thiếu máu cơ tim, làm chậm phì đại thất trái và đặc biệt không gây hạ huyết áp tư thế đứng.
Chỉ định
- Điều trị bệnh tăng huyết áp: Có thể dùng Agimlisin đơn độc hoặc phối hợp cùng với các thuốc lợi tiểu thuộc nhóm thiazid (benzothiadiazine), với thuốc chẹn alpha hoặc sử dụng cùng thuốc chẹn kênh calci…
- Điều trị suy tim: Kết hợp thuốc với các glycosid trợ tim và các thuốc lợi niệu để điều trị suy tim sung huyết cho người bệnh đã dùng glycosid trợ tim hoặc thuốc lợi niệu đơn thuần mà không đỡ.
- Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp với huyết động ổn định: Cần phối hợp thuốc cùng với thuốc làm tan huyết khối, aspirin, và/hoặc các thuốc chẹn beta. Nên dùng lisinopril ngay trong vòng 24 giờ ngay sau cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.
- Điều trị trên bệnh nhân mắc bệnh thận do đái tháo đường.
Thành phần Lisinopril có tác dụng gì?
Lisinopril có tác dụng ức chế men chuyển angiotensin (ECA), từ đó ngăn cản chuyển angiotensin I thành angiotensin II có hoạt tính và ngăn cản giáng hóa bradykinin (chất có tác dụng giãn mạch)
Thông thường, angiotensin II khi được tạo thành sẽ tác động lên các receptor AT1, AT2, AT3, AT4. Trong đó, AT1 có nhiều ở mạch máu, não, tim, thận với vai trò co mạch, tăng giữ Na+, ức chế tiết renin, tăng giải phóng aldosteron, kích thích giao cảm, tăng sự co bóp của cơ tim và phì đại thất trái.
Do đó, Lisinopril khi ức chế chuyển angiotensin I thành angiotensin II và ngăn cản giáng hóa bradykinin sẽ làm giãn mạch, tăng thải Na+, hạ huyết áp.
Cách sử dụng thuốc Agimlisin
Liều dùng: trên trẻ em chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc. Dưới đây là liều dùng trên người lớn
Điều trị bệnh tăng huyết áp:
- Liều khởi đầu: 5 – 10 mg/ngày (điều chỉnh liều dựa theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân)
- Liều duy trì: 20 – 40 mg/ngày.
Điều trị suy tim sung huyết:
- Liều khởi đầu: 2, 5 – 5 mg/ngày (điều chỉnh liều dựa theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân)
- Liều duy trì: 10 – 20 mg/ngày.
Nhồi máu cơ tim: Phối hợp cùng với thuốc tan huyết khối, aspirin liều thấp và thuốc chẹn beta.
- Liều khởi đầu: 5 mg trong 24 giờ ngay sau khi các triệu chứng của nhồi máu cơ tim xảy ra, sau 24 và 48 kế tiếp dùng liều tương ứng là 5mg và 10 mg.
- Liều duy trì là 10 mg/ngày, điều trị liên tục trong 6 tuần (thời gian điều trị kéo dài hơn nếu bệnh nhân bị suy cơ tim)
Điều trị trên bệnh nhân tăng huyết áp kèm suy thận:
- Độ thanh thải creatinin 10 – 30 ml/phút, dùng liều khởi đầu 2,5 – 5 mg/lần/ngày. Nếu độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút, liều khởi đầu là 2, 5 mg/lần/ngày. Sau đó, điều chỉnh liều dựa trên sự dung nạp thuốc và đáp ứng huyết áp người bệnh, lưu ý tối đa không quá 40 mg/lần/ngày.
Điều trị trên bệnh nhân bị suy tim, có giảm natri huyết:
- Nồng độ natri trong máu< 130 mEq/lít hoặc độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút hoặc nồng độ creatinin huyết thanh > 3 mg/decilit, liều ban đầu là 2,5 mg. Sau khi bệnh nhân dùng liều đầu tiên, phải theo dõi kỹ trong 6 – 8 giờ cho tới khi huyết áp ổn định.
Điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim và suy thận:
- Nếu nồng độ creatinin huyết thanh ở bệnh nhân > 2 mg/decilit, nên dùng lisinopril khởi đầu thận trọng (việc hiệu chỉnh liều ở trên người bệnh nhồi máu cơ tim và suy thận nặng hiện nay chưa được lượng giá cụ thể).
- Nếu nồng độ creatinin huyết thanh > 3 mg/decilit hoặc nồng độ creatinin huyết thanh tăng 100% so với bình thường trong quá trình điều trị thì bệnh nhân phải ngừng sử dụng thuốc.
- Nếu chế độ điều trị cần phải phối hợp với thuốc lợi tiểu ở người bệnh suy thận nặng thì nên ưu tiên dùng thuốc lợi tiểu quai như furosemide thay vì dùng thuốc lợi tiểu thiazid.
Cách dùng: Thuốc được dùng theo đường uống và dùng 1 lần duy nhất/ngày vì thuốc có thời gian tác dụng kéo dài (24 giờ)
Thuốc Agimlisin có dùng được cho phụ nữ có thai, đang cho con bú không?
- Thời kỳ mang thai: Các thuốc ức chế enzym chuyển có khả năng gây bệnh và quái thai, tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh nếu người mẹ sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai, nhất là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Vì vậy, không nên chỉ định thuốc cho phụ nữ đang mang thai, nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc mà phát hiện có thai thì cần ngừng thuốc ngay.
- Thời kỳ cho con bú: Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Tuy nhiên, không nên chỉ định thuốc cho đối tượng phụ nữ đang cho con bú.
Thuốc Agimlisin giá bao nhiêu?
Theo tham khảo của Việt Nam Signutra, giá bán niêm yết của mỗi viên thuốc Agimlisin theo các hàm lượng 5 mg, 10 mg, 20 mg lần lượt là 1.385 đồng, 2.540 đồng và 3.380 đồng.
Mức giá này có thể dao động tùy theo từng khu vực và các nhà thuốc khác nhau.
Thuốc Agimlisin có thể mua ở đâu?
Thuốc Agimlisin của Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm sau khi được cấp phép lưu hành, hiện đang có mặt rộng rãi trên thị trường, ở khắp hệ thống các quầy thuốc lớn nhỏ. Quý khách cần lưu ý lựa chọn địa chỉ nhà nhà thuốc uy tín để tránh gặp hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chống chỉ định
Chống chỉ định trên đối tượng bệnh nhân bị hẹp lỗ van động mạch chủ, cơ tim bị tắc nghẽn, hẹp động mạch thận ở hai bên hoặc ở một bên và bệnh nhân quá mẫn với thành phần của thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc Agimlisin
Thường gặp, ADR > 1/100
- Toàn thân: Đau đầu.
- Hô hấp: có thể bị ho khan kéo dài, chiếm khoảng 5 – 20% người bệnh (nhiều khi khiến bệnh nhân phải bỏ thuốc)
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Tiêu hóa: Bệnh nhân có thể buồn nôn, mất vị giác, tiêu chảy.
- Tuần hoàn: Hạ huyết áp mạnh
- Da: Bệnh nhân có thể bị ban da, rát sần, mày đay có thể ngứa hoặc không.
- Khác: Mệt mỏi, xuất hiện protein niệu, sốt hoặc đau khớp.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
- Trên mạch: Phù mạch, có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp.
- Chất điện giải: Tăng kali huyết khi có suy thận hoặc đái tháo đường.
- Thần kinh: Có thể gặp tình trạng lú lẫn, kích động, cảm giác tê bì hay như kim châm ở môi, tay và chân.
- Trên hô hấp: Thở ngắn, khó thở và đau ngực.
- Máu: Giảm số lượng bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt.
- Trên gan: Tế bào gan bị tổn thương, có thể bị vàng da, ứ mật, thậm chí hoại tử gan.
- Trên tụy: Viêm tụy
Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Trên bệnh nhân có tiền sử bệnh thận cần phải theo dõi protein niệu. Với người bị bệnh collagen mạch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cần xét nghiệm đều đặn số lượng bạch cầu.
- Hạ huyết áp có thể xảy ra khi dùng liều đầu tiên ở những bệnh nhân có thể tích máu thấp do đang sử dụng thuốc lợi niệu, chế độ ăn giảm muối hoặc trường hợp mất nước qua tiêu hóa. Ở những bệnh nhân này, nên dùng liều khởi đầu thấp và ngừng thuốc lợi tiểu 2 – 3 ngày trước khi điều trị.
- Nồng độ kali trong máu có thể tăng trong khi điều trị bằng thuốc Agimlisin, do vậy cần chú ý thận trọng khi dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali, hoặc khi bổ sung thêm kali.
- Bệnh nhân nên ngừng thuốc ngay khi phát hiện triệu chứng phù mạch.
- Thuốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không vượt quá 30 độ C và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Người dùng cần chú ý hạn sử dụng trên bao bì, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và uống đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ đồng thời thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp phải những tác dụng không mong muốn của thuốc.
Dược động học
Thuốc được hấp thu chậm và không hoàn toàn qua tiêu hóa, trung bình có khoảng 25% thuốc được hấp thu. Sự hấp thu của thuốc qua tiêu hóa không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thuốc không gắn với protein huyết tương. Thuốc không bị chuyển hóa trong cơ thể vì Lisinopril là một diacid đã có sẵn hoạt tính. Thuốc được thải trừ theo qua nước tiểu. Thời gian bán thải Lisinopril là 12 giờ.
Tác dụng hạ huyết áp của thuốc bắt đầu khoảng 1 – 2 giờ sau khi dùng và đạt tối đa sau khoảng 6 giờ. Thuốc có thời gian tác dụng kéo dài (24 giờ). Tác dụng của thuốc cũng được duy trì khi điều trị lâu dài. Trong trường hợp bệnh nhân ngừng thuốc đột ngột, không xuất hiện sự tăng vọt huyết áp.
Tương tác thuốc
- Thuốc cường giao cảm và chống viêm không steroid (NSAIDs), đặc biệt là indomethacin khi dùng cùng Lisinopril sẽ làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc.
- Ciclosporin, các thuốc lợi tiểu giữ kali hay thuốc bổ sung kali khi dùng cùng Lisinopril có thể khiến cho nồng độ kali trong máu tăng rất cao.
- Lisinopril có thể làm tăng nồng độ và độc tính của lithium và digoxin khi dùng kết hợp.
- Estrogen: gây ứ dịch có thể sẽ làm tăng huyết áp.
Xử trí quá liều và quên thuốc
Quá liều
Biểu hiện quá liều thuốc có thể là giảm huyết áp. Lúc này, bệnh nhân cần được truyền tĩnh mạch dung dịch muối đẳng trương. Bên cạnh đó, có thể loại bỏ lisinopril bằng kỹ thuật thẩm tách máu.
Quên thuốc
Cần bổ sung thuốc ngay khi phát hiện quên liều. Với trường hợp thời điểm phát hiện quên liều gần với lần sử dụng kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp như bình thường, tuyệt đối không tự ý gấp đôi liều và không nên quên quá 2 lần.
Xem thêm:
Thuốc Bloza (Lorsartan) 50mg là thuốc gì? Giá bao nhiêu?
Thuốc Misenbo 62.5mg: Công dụng, Liều dùng, Tác dụng phụ, Giá bán