Tăng huyết áp là một căn bệnh được cho là kẻ giết người thầm lặng vì không có các triệu chứng điển hình. Nếu điều trị không tốt dần dần bệnh sẽ gây ra các tổn thương ở tim, não, thận… Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý thì việc sử dụng thuốc cũng rất quan trọng. Việt Nam Signutra (signutra.com.vn) xin giới thiệu thuốc Dipsope – một trong các loại thuốc điều trị bệnh THA vô căn rất phổ biến trên thị trường dược phẩm, giúp họ có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường.
1, Dipsope là thuốc gì?
Dipsope là một thuốc thuộc nhóm tim mạch, có tác dụng điều trị bệnh huyết áp cao (tăng huyết áp), giúp kiểm soát mức huyết áp về chỉ số bình thường và làm giảm cơn đau ở ngực (đau thắt ngực).
Nhà sản xuất: công ty RPG Lifesciences Ltd – ẤN ĐỘ và hiện tại thuốc đã và đang được lưu hành và bán rộng rãi trên toàn thị trường dược phẩm Việt Nam.
Thành phần chính: Amlodipin besylate có 2 hàm lượng 5mg và 10mg, tương ứng với Dipsope 5 và Dipsope 10.
Số đăng ký sản phẩm:
- Dipsope 5: VN 10544 10.
- Dipsope 10: VN 10543 10.
Dạng bào chế của thuốc Dipsope: viên nén với 2 dạng đóng gói:
- Dipsope 5: hộp 7 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.
- Dipsope 10: hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.
2, Công dụng của thuốc Dipsope?
Với những bệnh nhân bị tăng huyết áp vô căn (tăng huyết áp không rõ nguyên nhân), thuốc Dipsope có công dụng làm hạ huyết áp, giúp bệnh nhân tránh được những hậu quả bất lợi do tăng huyết áp gây ra như: tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường…
Bên cạnh đó, Dipsope còn giúp giảm cơn đau thắt ngực, tăng lưu lượng máu tới thận để ổn định chức năng của thận.
3, Chỉ định của thuốc Dipsope?
Thuốc được chỉ định trong những trường hợp:
- Tăng huyết áp.
Đối với trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt khi dùng đơn độc Amlodipin, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các thuốc khác như: lợi tiểu Thiazid, thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE)…
- Đau thắt ngực ổn định mạn tính.
- Đau thắt ngực do co thắt mạch máu (Prinzmetal).
Amlodipin cũng có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống đau thắt ngực khác để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
4, Thành phần chính Amlodipin có tác dụng gì?
Tác dụng của Amlodipin: chống tăng huyết áp và làm giảm cơn đau thắt ngực.
Cơ chế tác dụng:
- Với bệnh nhân tăng huyết áp:
Amlodipin là thuốc chẹn ion Calci, thuộc nhóm dihydropyridine. Thuốc ngăn cản dòng ion Calci vào nội bào thông qua kênh vận chuyển Calci. Khi Calci không thể vào bên trong nội bào, cơ trơn sẽ giãn ra làm giãn mạch và hạ huyết áp; cơ tim sẽ giảm co bóp dẫn tới giảm tần số tim, giảm cung lượng tim, từ đó cũng làm hạ huyết áp.
- Với bệnh nhân đau thắt ngực:
Các nghiên cứu cho thấy dữ liệu về cơ chế tác dụng của Amlodipin vẫn còn thiếu sót, tuy nhiên có thể là do:
- Amlodipin làm giãn các tiểu động mạch ngoại vi, nên làm giảm hậu gánh của tim (sức cản của các động mạch đối với sự co bóp của tâm thất) và giúp làm giảm công năng của tim, do đó mức tiêu thụ oxy của cơ tim cũng giảm theo, giúp bệnh nhân giảm cơn đau thắt ngực thường ở các bệnh nhân có các hoạt động gắng sức.
- Amlodipin có tác dụng ức chế cơn co thắt trong động mạch vành và tiểu động mạch vành, tăng cường lưu lượng máu tới tế bào cơ tim, từ đó giúp bệnh nhân giảm cơn đau thắt ngực do mạch vành bị co thắt gây nên.
5, Cách sử dụng thuốc Dipsope?
5.1, Liều dùng
Mỗi người có một tình trạng sức khoẻ và đáp ứng thuốc khác nhau. Trẻ em sẽ khác người lớn, lớp trẻ khác người già, vì vậy phải lựa chọn liều dùng phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.
Người lớn:
- Liều khởi đầu của Amlodipin để điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực: 5mg/ lần/ ngày.
- Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng hoặc cần tăng liều điều trị: tối đa 10mg/ lần/ ngày.
- Trường hợp phối hợp Amlodipin với các thuốc khác (ức chế men chuyển ACE, lợi tiểu, chẹn beta giao cảm…) cũng không cần điều chỉnh liều của Amlodipin.
Người cao tuổi, bệnh nhân suy gan:
- Nên bắt đầu dùng Amlodipin từ liều thấp nhất, có thể bắt đầu với: 2,5 mg/ lần/ ngày.
- Tăng liều chậm đối với bệnh nhân suy gan nặng.
Trẻ em từ 6 – 17 tuổi:
- Bắt đầu với liều 2,5mg/ lần/ ngày. Nếu chưa đạt mức huyết áp cần thiết thì tăng dần lên 5mg/ lần/ ngày.
- Do còn thiếu dữ liệu nghiên cứu nên khuyến cáo không nên dùng quá 5mg/ ngày và không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
5.2, Cách dùng
Có thể dùng thuốc Dipsope trước, trong hoặc sau ăn đều được vì thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, tuy nhiên bác sĩ thường chỉ định uống sau ăn sáng để dễ theo dõi.
Uống thuốc liên tục, đúng giờ và đủ liều mỗi ngày.
Không tự ý tăng hoặc giảm liều trong thời gian điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.
6, Thuốc Dipsope có dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú?
Đối với phụ nữ có thai:
Hiện nay việc sử dụng Amlodipin cho phụ nữ có thai chưa được nghiên cứu rõ ràng, vì vậy chỉ sử dụng cho phụ nữ có thai khi không còn sự lựa chọn thay thế nào và cần cân nhắc giữa lợi ích mà thuốc mang lại so với tác hại có thể xảy ra với thai nhi.
Khi thí nghiệm trên động vật, các thuốc chẹn ion Calci có thể gây quái thai, vì vậy khuyến cáo tránh dùng Dipsope đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Đối với phụ nữ cho con bú:
Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu chỉ rõ là Amlodipin có được bài tiết qua sữa mẹ hay không, vì thế khuyến cáo không nên dùng cho phụ nữ CCB để đảm bảo an toàn cho bé.
7, Giá của thuốc Dipsope?
Giá bán của thuốc Dipsope có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi cơ sở bán lẻ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, bạn có thể mất thêm phí ship nếu mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc online.
- Dipsope 5 thường có giá khoảng 50.000đ/hộp 7 vỉ.
- Dipsope 10 thường có giá khoảng 70.000đ/hộp 10 vỉ.
8, Bạn có thể mua Dipsope ở đâu?
Thuốc được phân phối và bán ở các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên bạn nên tìm kiếm các nơi bán chính thống và tránh mua nhầm hàng giả sẽ gây tác dụng không tốt khi sử dụng.
Một số nhà thuốc uy tín bạn có thể tham khảo như: nhà thuốc Long Châu, nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Ngọc Anh…
9, Chống chỉ định của thuốc Dipsope?
- Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân bị giảm huyết áp nghiêm trọng.
- Bệnh nhân suy tim chưa điều trị ổn định.
- Bệnh nhân bị sốc tim.
10, Tác dụng phụ của thuốc Dipsope?
Theo các nghiên cứu đánh giá về độ an toàn khi sử dụng Dipsope, các tác dụng không mong muốn của thuốc được xếp vào mức độ nhẹ hoặc trung bình.
- Các tác dụng KMM hay gặp nhất là:
Đau đầu, chóng mặt, phù nề, sưng chân hoặc mắt cá chân, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, đỏ bừng mặt, đau bụng, buồn nôn…
- Các tác dụng KMM ít gặp hơn là:
Mất ngủ, thay đổi tính tình, run rẩy, rối loạn vị giác, ù tai, ho, khô miệng, khó tiêu, rụng tóc, mày đay, đau khớp, tiểu đêm, vú to ở nam…
- Các tác dụng KMM hiếm gặp:
Viêm gan, vàng da, ngứa, ban da, phù mạch…
Khi gặp bất cứ tác dụng không mong muốn nào như trên, bệnh nhân cần thông báo cho các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để được tư vấn hướng xử trí kịp thời.
11, Lưu ý khi sử dụng thuốc Dipsope?
- Thuốc này chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ, do vậy bệnh nhân không nên tự ý sử dụng để tránh các tác hại không mong muốn.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
- Không sử dụng Dipsope quá liều theo chỉ định của bác sĩ.
- Trước khi sử dụng thuốc Dipsope bạn nên báo cho bác sĩ tất cả những loại thuốc hoặc thực phẩm bạn đã hoặc đang sử dụng gần đây.
- Không ngừng bất kỳ thuốc nào trong đơn khác, kể cả thuốc điều trị huyết áp khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Trong khi sử dụng Dipsope, bệnh nhân tránh bắt đầu dùng thêm loại thuốc hay thực phẩm bổ trợ nào trừ khi được bác sĩ kiểm tra tính phù hợp trước.
- Báo cáo với bác sĩ các trường hợp sau để được đưa ra lời khuyên và hướng xử trí phù hợp.
- Tiền sử bệnh tim hoặc suy giảm chức năng gan.
- Có ý định mang thai, đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Thuốc được chỉ định uống 1 lần trong ngày, vì vậy bệnh nhân nên sử dụng thuốc vào cùng 1 thời điểm duy nhất trong ngày.
- Không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.
- Bảo quản thuốc Dipsope ở nơi thoáng mát, khô ráo, nhiệt độ < 30°C và tránh ánh sáng trực tiếp.
- Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, bệnh nhân phải dùng thuốc để điều trị bệnh trong thời gian dài để kiểm soát chỉ số huyết áp luôn ở mức ổn định. Nếu thấy huyết áp giảm về mức bình thường thì bệnh nhân cũng không được tự ý bỏ thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, dược sĩ.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc Dipsope, bệnh nhân cần kết hợp luyện tập một lối sống ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để cải thiện bệnh. Một số biện pháp đó là:
- Tập thể dục nhẹ nhàng, điều độ mỗi ngày (đi bộ…).
- Hạn chế ăn mặn, nên ăn nhiều chất xơ có trong các loại rau xanh, quả chín, các loại hạt.
- Không uống bia rượu, hút thuốc lá.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress kéo dài. Bạn có thể tập thiền để cơ thể thư giãn hơn.
- Ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh thức khuya.
- Uống nhiều nước trong ngày và nên ngồi khi uống.
12, Dược động học của thuốc Dipsope?
Hấp thu:
Thuốc dễ hấp thu qua đường tiêu hoá, đạt nồng độ tối đa trong máu sau 6-12h uống. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 64-80% và thức ăn không gây cản trở tới sự hấp thu của thuốc.
Phân bố:
Do Dipsope được hấp thu tốt sau khi uống nên thể tích phân bố của thuốc là khoảng 21 lít/kg thể trọng. Thuốc liên kết với protein huyết tương rất cao khoảng 95-98%.
Nồng độ thuốc ở trạng thái cân bằng trong huyết tương đạt được sau 7-8 ngày dùng thuốc liên tục mỗi ngày.
Chuyển hoá:
Thuốc được chuyển hoá chủ yếu tại gan (khoảng 90%) thành các chất chuyển hoá không có hoạt tính.
Thải trừ:
Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, với 10% chất ban đầu chưa được chuyển hoá và 60% chất chuyển hoá được đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.
Thời gian bán thải T1/2 kéo dài 35-50h, do đó chỉ cần dùng thuốc 1 lần 1 ngày là đã đảm bảo được tác dụng của thuốc.
13, Tương tác thuốc Dipsope?
Theo các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra Amlodipin được sử dụng an toàn với các thuốc như: lợi tiểu Thiazid, chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển ACE, nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, digoxin, warfarin, các NSAIDs, thuốc kháng sinh…
Một số tương tác của Dipsope đối với các thuốc khác khi sử dụng đồng thời:
- Simvastatin.
Đối với bệnh nhân sử dụng phối hợp 10mg Amlodipin (nhiều lần) với 80mg Simvastatin, tỷ lệ phơi nhiễm với Simvastatin tăng 77% so với khi dùng đơn độc Simvastatin.
- Chất ức chế CYP3A4.
Khi phối hợp Amlodipin với các chất ức chế CYP3A4 (Diltiazem, Ketoconazol, Clarithromycin…) sẽ làm tăng nồng độ Amlodipin trong máu, từ đó làm tăng độc tính của Amlodipin.
- Chất cảm ứng CYP3A4.
Thận trọng khi sử dụng phối hợp Amlodipin với các chất cảm ứng CYP3A4 (Rifampicin…) vì dễ làm giảm nồng độ Amlodipin trong máu, từ đó làm giảm tác dụng của Amlodipin.
Để tránh xảy ra các tương tác bất lợi ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Amlodipin (Dipsope) khi dùng đồng thời nó với các thuốc khác, bạn nên báo cáo đầy đủ các thuốc bạn đang hoặc chuẩn bị sử dụng với bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.
14, Xử trí khi quá hoặc quên liều thuốc Dipsope?
Trường hợp quên liều:
Bạn không được uống gấp đôi liều thuốc khi quên 1 liều trong ngày. Bổ sung đúng liều đó ngay khi nhớ ra sớm nhất có thể.
Bạn nên hỏi ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để được tư vấn về ảnh hưởng của việc quên liều đến tác dụng của thuốc.
Trường hợp quá liều:
- Nếu bệnh nhân chỉ xuất hiện các triệu chứng như: tim đập nhanh, chóng mặt… thì trước tiên nên theo dõi bệnh nhân sát sao.
- Nếu bệnh nhân chuyển biến nặng hơn như khó thở, hôn mê… thì nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.
Các hướng xử trí như theo dõi tim, hô hấp tích cực, đo huyết áp liên tục là rất cần thiết đối với bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân bị hạ huyết áp, bác sĩ có thể bù dịch hợp lý để tăng thể tích tuần hoàn. Nếu huyết áp vẫn hạ do không đáp ứng với biện pháp trên thì bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng thuốc vận mạch (phenylephrine…), đồng thời phải chú ý đến khối lượng tuần hoàn và lượng nước tiểu.
Trên đây là một số thông tin về thuốc Dipsope mà chúng tôi có thể cung cấp cho các bạn. Lưu ý rằng bạn nên hỏi ý kiến từ các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc. Mong rằng những thông tin trên có thể giúp đỡ các bạn trong việc hiểu cách sử dụng cũng như tính năng của thuốc một cách dễ dàng.
Xem thêm:
Thuốc Misenbo 62.5mg: Công dụng, Liều dùng, Tác dụng phụ, Giá bán
Thuốc Agimlisin 10mg là thuốc gì? Công dụng, cách dùng, giá bao nhiêu?