Theo Tổ chức loãng xương quốc tế (IOF), trung bình cứ 3 người phụ nữ sẽ có 1 người mắc bệnh loãng xương trong khi ở nam giới tỷ lệ mắc bệnh là 1 trên 5 người (4). Trong một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam (1), có đến khoảng 29% phụ nữ trên 50 tuổi bị mắc bệnh loãng xương và khoảng 28% trong số đó bị gãy xương đốt sống. Tại sao phụ nữ dễ mắc bệnh loãng xương? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở phụ nữ như: hệ thống khung xương nhỏ hơn nam giới, sự thay đổi hormon, mang thai, chế độ vận động, chế độ dinh dưỡng…
1. Nguyên nhân tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ cao hơn nam giới
Phụ nữ thường có xương nhỏ, mỏng trong khi nam giới thường có xương to, dày, mật độ xương cao hơn và đạt được điều này ở độ tuổi muộn hơn nữ giới (2). Hơn nữa quá trình mất xương ở phụ nữ thường diễn ra ở độ tuổi sớm hơn với tốc độ nhanh hơn. Một nghiên cứu đã cho thấy độ tuổi mất xương với tốc độ nhanh ở phụ nữ là 65- 69 tuổi trong khi ở nam giới là 74- 79 tuổi (2).
- Hormone Estrogen: Estrogen là một nội tiết tố nữ đóng vai trò trong việc phát triển giới tính, điều hòa kinh nguyệt và chức năng sinh sản của phụ nữ. Estrogen còn có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe xương vì chúng giúp bảo vệ tạo cốt bào (tế bào tạo xương), duy trì khối xương. Lượng hormone estrogen suy giảm mạnh ở phụ nữ giai đoạn mãn kinh nên gây mất xương nhanh hơn, và dẫn đến loãng xương nhanh hơn so với giai đoạn chưa mãn kinh. Những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường, cắt bỏ buồng trứng hoặc đã trải qua thời kỳ mãn kinh đều có nguy cơ bị loãng xương cao vì lượng estrogen giảm thấp.
- Rối loạn ăn uống: các chứng rối loạn ăn uống như: chán ăn, ăn kiêng không khoa học vì nỗi sợ tăng cân, nhịn ăn mà không nhận thức được cân nặng rất thấp của mình… sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, canxi và các khoáng chất cần thiết cho xương. Do đó tình trạng thiếu xương, nguy cơ loãng xương tăng cao đối với phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống (3).
- Quá trình mang thai: Thai nhi cần canxi để phát triển hệ xương. Thai nhi càng lớn càng cần nhiều canxi nên khi thực phẩm cung cấp không đủ, canxi sẽ được lấy từ cơ thể mẹ để cung cấp cho thai phát triển. Do đó cả phụ nữ có thai và đang cho con bú đều cần đảm bảo có đủ lượng canxi và vitamin D và kết hợp các bài tập thể dục phù hợp để duy trì sức khỏe của xương.
2. Dấu hiệu loãng xương ở phụ nữ
Do quá trình mất xương diễn ra chậm nên dấu hiệu loãng xương ở phụ nữ cũng khó nhận biết. Đa số các trường hợp thường không có triệu chứng nào cho đến khi xảy ra gãy xương, người bệnh mới biết mình mắc bệnh loãng xương. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh hoặc nam giới trên 50 tuổi có các yếu tố nguy cơ loãng xương như thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng thuốc cortioid kéo dài hoặc đã từng gãy xương do lực nhỏ tác động… nên đến bệnh viện để được kiểm tra mật độ xương. Một số dấu hiệu phản ánh tình trạng loãng xương có thể thấy như gù lưng, giảm chiều cao, gãy xương do một va chạm nhẹ hay thay đổi tư thế khi đứng, ngồi…
3. Cách phòng ngừa, điều trị loãng xương
Để điều trị loãng xương hiệu quả, nên kết hợp các phương pháp không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hỗ trợ điều trị loãng xương không dùng thuốc:
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi: Các thực phẩm giàu canxi như: sữa, phô mai, các loại cá hộp, hải sản, đậu hũ, bông cải xanh, nước cam…
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ và phù hợp, tăng cường các bài tập cho xương chịu sức nặng của cơ thể như khiêu vũ, chạy bộ, đi bộ, chơi tennis…
- Tắm nắng vào sáng sớm ít nhất 30 phút/ngày giúp tổng hợp vitamin D -vitamin giúp cơ thể hấp thu canxi.
- Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn, nước ngọt có gas, bia rượu, bỏ hút thuốc lá…
Bên cạnh đó bệnh nhân cần được điều trị theo liệu trình bác sĩ đưa ra. Bệnh loãng xương cần được theo dõi hằng năm giúp nắm bắt tiến trình hồi phục, bảo tồn của xương để có hướng điều trị tốt hơn.
DS. Thúy Vi – Signature Nutrition
Nguồn:
(1): https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2405525517300365
(2): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5380170/
(3): https://www.nimh.nih.gov/health/topics/eating-disorders/index.shtml
(4): https://www.iofbonehealth.org/epidemiology